Chùa Thượng (Thích Ca Tự) là một ngôi chùa được xây dựng từ lâu đời để thờ Phật theo phái Tiểu Thừa về sau khoảng thế kỷ XVI – XVII, chùa được xây dựng với quy mô tương đối lớn.
Hiện tại, trong số nhiều hạng mục kiến trúc của chùa, có 02 hạng mục kiến trúc cổ là Tam quan và Gác chuông. Vào thời Hậu Lê – thế kỷ XVI mà hiện diện là Gác chuông hai tầng, tám mái còn giữ được lại đến ngày nay. Gác Chuông được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ tứ thiết với hệ thống 4 cột cái, 12 cột quân còn đủ 8 đầu đao cong vút, trên các mái lợp ngói ri cổ. Vào bên trong Gác chuông từ cột cái đua ra cột quân có hệ thống các con rường kẻ góc, bẩy….đầu được trạm trổ rất công phu. Trên các con rường, người xưa đã chạm nổi các tích "Độc long", "Rồng mẫu tử" với kiểu rỗng được chạm miệng loe, mắt lồi, có tai như tai dơi….Trên các kẻ và bẩy chạm nổi các họa tiết đao mác, tia lửa,….Mặc dù không ghi niên đại tạo dựng và trùng tu, nhưng với kiểu thức hoa văn này có thể kết luận đây là công trình thời Hậu Lê Thế kỷ XVII-XVIII. Gác chuông còn nguyên vẹn hệ thống cầu thang và sàn gác.
Lên gác chuông, trên hệ thống câu đầu nối các cột cái với nhau là hệ thống chồng rường. Trên các con rường thứ nhất câu đầu, có một thanh xà bằng gỗ lim nổi từ vì nóc bên này sang vì nóc sang bên kia để treo chuông.
Năm 1996, Chùa Thích Ca đã được Bộ văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa theo quyết định số 1460-QĐ/VH ngày 28/6/1996.
Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa Chùa Thích Ca, xã Song Phương
Tuy nhiên, theo dòng thời gian, lịch sử và sự ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu đến nay các hạng mục như: Gác chuông và một số hạng mục khác của công trình Di tích lịch sử - văn hóa Chùa Thích Ca đã xuống cấp nghiêm trọng cần được tu bổ và tôn tạo.
Năm 2020, được sự quan tâm, hướng dẫn của Phòng văn hóa thông tin huyện Hoài Đức, UBND huyện Hoài Đức đã trình Phòng Quản lý di sản; Ban quản lý di tích và danh thắng thành phố Hà nội; Cục Di sản – Bộ VHTT&DL cho phép lập hồ sơ tu sửa, tôn tạo. Qua một thời gian thẩm định, đến nay Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử - văn hóa Chùa Thích Ca, xã Song Phương – Giai đoạn 2 chính thức được triển khai.
Quang cảnh buổi Lễ khởi công
Dự buổi Lễ có đồng chí Bùi Thế Gia – Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư - xây dựng huyện Hoài Đức; đồng chí Nguyễn Văn Thuận –Trưởng phòng Văn hóa – thông tin huyện; đồng chí Tạ Văn Thắng – HUV, Bí thư Đảng ủy; đồng chí Đỗ Văn Toàn – PBT Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; các đồng chí đại diện lãnh đạo HĐND-UBND-UBMTTQ xã, Trưởng các ngành đoàn thể, Ban chấp hành Hội người cao tuổi, cán bộ, công chức UBND xã Song Phương;
Ông Bạch Đỗ Tiến đại diện đơn vị thi công (Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị An Phúc Hưng); Ông Nguyễn Đức Chính đại diện đơn vị Tư vấn giám sát (Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Việt); Đại diện Đơn vị tư vấn thiết kế Công ty cổ phần đầu tư phát triển PNT;
Và sự có mặt các ông bà là Bí thư các chi bộ, Trưởng, phó các thôn; Trưởng ban CTMTKDC, các chi hội Người cao tuổi thôn 3, thôn 4, thôn 5 và thôn 6; Tiểu ban QLDT làng Phương Viên, Cụ Thích Đàm Hường - Ni sư trụ trì Chùa Thích Ca và các cụ cao niên và Nhân dân trên địa bàn.
Đại biểu và Nhân dân tham dự
Công trình Tu bổ, tôn tạo chùa Thích Ca, xã Song Phương – Giai đoạn 2 đã chính thức được phê duyệt tại Quyết định số 133/QĐ-UBND 07/02/2023 của UBND huyện Hoài Đức. Với Quy mô công trình Tu bổ, tôn tạo gồm các hạng mục: Gác chuông, Cổng tam quan và tôn tạo hạ tầng kỹ thuật: sân rãnh thoát nước, hệ thống PCCC, khu nhà vệ sinh, nhà bao che tháp chuông. Chủ đầu tư Công trình là BQLDA ĐTXD huyện Hoài Đức;
Tại buổi lễ, đại diện BQLDA Đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức, Phó Giám đốc Bùi Thế Gia công bố các Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình; Quyết định Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Quyết định phê duyệt Thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán và Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công số 06: Thi công xây dựng công trình.
Đồng chí Bùi Thế Gia – PGĐ BQLDA ĐTXD huyện Hoài Đức phát biểu tại buổi Lễ
Đơn vị Tư vấn thiết kế công trình là Công ty CP đầu tư và phát triển PNT; Đơn vị Tư vấn giám sát công trình là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Việt; Đơn vị thi công: Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị An Phúc Hưng.
Với tổng mức đầu tư: 16.853.620.000 đồng (Mười sáu tỷ, tám trăm năm mười ba triệu sáu trăm hai mươi nghìn đồng chẵn) Kinh phí từ nguồn Ngân sách Nhà nước.
Thời gian công trình: Thời gian thi công là 295 ngày; Từ ngày 11/9/2024 đến ngày 29/6/2025.
Đại diện chính quyền địa phương, phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Đỗ Văn Toàn – PBT Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã khẳng định ý nghĩa của công trình Tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Thích Ca, xã Song Phương đối với đời sống sinh hoạt tôn giáo, tâm linh, văn hóa của người dân địa phương; Đối với chính quyền địa phương và Nhân dân xã Song Phương việc được cho phép Tu bổ tôn tạo công trình Di tích chùa Thích Ca thực sự rất phấn khởi và vinh dự. Đại diện chính quyền địa phương và Nhân dân đồng chí gửi lời cảm ơn đến các phòng, ban ngành của huyện Hoài Đức: Phòng Văn hóa thông tin huyện, Ban QLDA ĐTXD huyện, các phòng ban cơ quan cấp trên: Cục văn hóa cơ sở Phòng quản lý di sản, Ban quản lý di tích và danh thắng thành phố Hà nội, Cục di sản – Bộ VHTT&DL và các đơn vị phụ trách, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền.
Với vai trò đại diện chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND xã đề nghị các đơn vị Thi công, Giám sát, Thiết kế triển khai công trình đảm bảo yếu tố bảo tồn Di sản theo quy định, theo đúng Thiết kế công trình đã được phê duyệt, đảm bảo thời gian, các biện pháp an toàn trong quá trình thi công công trình (ATVSLĐ, PCCC),….để công trình hoàn thành đúng tiến độ; Đồng thời đề nghị UBMTTQ, các ban đầu tư giám sát cộng đồng tại các Thôn, TBQLD làng Phương Viên, nhà chùa và Nhân dân sát sao trong quá trình giám sát việc triển khai thi công xây dựng công trình. Đảm bảo lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống tại di tích của địa phương. Công trình phục vụ trực tiếp đời sống tâm linh và là nơi lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân làng Phương Viên.